Lòng Hiếu Khách trong Tân Ước
Tác giả: Carolyn Osiek
Dịch sang tiếng Việt: Bùi Thị Kim Thanh, Hội Thần Học Thánh Kinh Việt Nam
Địa hình xung quanh Jerusalem gồ ghề và hiểm trở: những ngọn đồi núi đá khô khan ở phía tây, cấm địa sa mạc ở phía đông, và nhiệt độ nóng như thiêu đốt quanh năm. Du khách rất dễ gặp nguy hiểm, vì vậy lòng hiếu khách đối với du khách luôn luôn là một điều cần thiết, và nó cũng được xem như là một nghĩa vụ thiêng liêng. Tân Ước chứa đựng nhiều hình ảnh và những câu chuyện về những du khách được đón tiếp, cả hai, những du khách là bạn bè đã quen biết trước, và những du khách trước lạ sau quen và trở thành khách của gia chủ. Trong các bộ lạc du mục, người du khách được ở dưới sự bảo vệ của gia chủ, là người đứng ra đảm bảo sự an toàn bất khả xâm phạm cho khách của mình. Các yếu tố quan trọng của lòng hiếu khách bao gồm cơ hội rửa sạch chân của khách, dùng dầu thơm để làm mềm da khô của khách và cũng để át mùi sương gió của đường sá, cũng như cung cấp thức ăn và chỗ ngủ, ngay cả việc chu toàn an ninh, và tiếp đãi khách.
Khi Giê-su sai phái các môn đồ đi truyền giáo, các môn đồ tạm trú tại những ngôi nhà nơi họ được chào đón. Mục vụ truyền giáo của Giê-su không thể đạt được nếu không có sự tương hỗ này, người tiếp nhận những người được phái đi (Ma-thi-ơ 10:11, Mác 6:10, Lu-ca 9:4, Lu-ca 10:7–8). Trong trường hợp nơi nào không tiếp đãi họ, các môn đồ rời bỏ nơi đó và tiếp tục đi nơi khác.
Nhiều câu chuyện về các bữa tiệc ghi lại trong các sách Tin Lành bao hàm việc thực hành lòng hiếu khách trong giai đoạn chuyển tiếp của các sự kiện quan trọng: ví dụ, ẩn dụ về tiệc cưới (Ma-thi-ơ 22:1–10; Lu-ca 14:15–24) hoặc ẩn dụ về tiệc thiết đãi đứa con phóng đãng trở về (Lu-ca 15:22–32). Những bữa tiệc mô tả theo quan điểm thánh kinh khai mở những chân trời hướng về vương quốc thiên đàng. Hạnh phúc tột cùng được hình dung như thế nào — như là một bữa tiệc mà trong đó mọi người đều hạnh phúc và mãn nguyện (Lu-ca 22:30), hay như là lễ tiệc cưới (Khải-huyền 19:9)?
Giê-su chính là vị khách quan trọng trong các sách Tin Lành. Nhưng cũng có người đã tiếp nhận Ngài một cách sai lầm, tiêu biểu là Si-môn Pha-ri-si. Người này đã không ân cần tiếp đãi Ngài, không rửa chân hay xức dầu cũng như đã không bày tỏ cử chỉ tiếp đãi hiếu khách; ngược lại, người phụ nữ “tội lỗi,” tuy là người khách không được mời nhưng đã tiếp nhận Giê-su một cách ân cần (Lu-ca 7:36–50). Ma-thê và Ma-ri đã không tiếp đón Giê-su chu đáo hoàn hảo, tuy nhiên, nhà của Ma-thê và Ma-ri là nơi thân cận của những người bạn với nhau cho nên đương nhiên họ phải cảm thấy quen thuộc, ngôi nhà mà Giê-su đến đã có một vài căng thẳng trong gia đình (Lu-ca 10:38–42).
Sau này, Phao-lô và các nhà truyền giáo khác, khi lưu hành từ thành phố này sang thành phố khác họ dựa vào lòng hiếu khách của những người tiếp nhận họ. Tiệc Thánh được tổ chức chủ yếu trong các tư gia là nơi trở thành các trung tâm của sự hiếu khách và truyền giáo. Tại Phi-líp, Ly-đi, một phụ nữ buôn bán vải lụa quý được lời rao giảng của Phao-lô thu hút, cố nài ép Phao-lô nhận lòng hiếu khách của mình, và nhà của cô ta trở thành một trung tâm đức tin (Công vụ 16:14–15, Công vụ 16:40). Trong một cuộc giải cứu kỳ diệu, Phao-lô và Si-la được giải cứu ra khỏi nhà tù ở Phi-líp, người cai ngục, toan tính tự sát nhưng nhờ Phao-lô nhanh trí hành động cứu cai ngục này thoát chết. Người cai ngục đền ơn bằng cách đưa Phao-lô và Si-la vào tư gia của ông ta, vào giữa đêm ông ta và người trong gia đình rửa vết thương và mang thức ăn cho các Sứ-đồ (Công vụ 16:29–34). Trong trường hợp này, lòng hiếu khách thể hiện sự mong muốn sửa chữa những thiệt hại trong quá khứ và tiếp tục mối quan hệ.
Những thính giả của sách Hê-bơ-rơ được cảnh báo về tầm quan trọng của việc thực hành lòng hiếu khách: một số người đã tiếp nhận các thiên sứ mà không biết (Phục-truyền Luật-lệ Ký 13: 2; so sánh Sáng-thế Ký 18:1–15). Cũng có việc không hay: tác giả của 3 Giăng 9 có vấn đề về sự thiếu lòng hiếu khách: tác giả sẽ không gửi sứ giả đến nhà của Đi-ô-trép, vì lý do gì chúng ta không được biết.
Vào cuối Kinh Thánh, lòng hiếu khách vẫn còn là một vấn đề: Lao-đi-xê, một trong bảy thành phố đặc trưng trong Khải Huyền, được yêu cầu tiếp nhận Giê-su phục sinh như một vị khách đến ăn tối (Khải Huyền 3:20). Họ sẽ tiếp đón Ngài?
Bibliography
- Osiek, Carolyn, ed. Anselm Academic Bible. Winona, MN: Anselm Academic, 2013.
- Arterbury, Andrew. Entertaining Angels: Early Christian Hospitality in its Mediterranean Setting. New Testament Monographs 8. Sheffield, UK: Sheffield, 2005.
- Osiek, Carolyn, with David L. Balch. Families in the New Testament World: Households and House Churches. Louisville: Westminster John Knox, 1997.
- Osiek, C. and M. Y. MacDonald, with J. Tulloch. A Woman’s Place: House Churches in Earliest Christianity. Minneapolis, Minn.: Fortress, 2006.